Những năm gần đây, số trẻ em bị cận thị, loạn thị ngày càng tăng khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Không ít giải pháp được đưa ra nhằm hạn chế tình trạng trên, như: Giá đỡ chống cằm, đèn chống cận thị…, trong đó, đèn chống cận thị được các bậc phụ huynh quan tâm mua nhiều. Thế nhưng, có hay không đèn bàn chống cận thị? Lựa chọn loại đèn nào cho phù hợp?...
Được biết, hiện nay trên thị trường các sản phẩm đèn bàn với quảng cáo có tác dụng ngăn chặn các bệnh học đường được bày bán rộng rãi. Căn cứ vào catalog giới thiệu sản phẩm thì hầu hết các loại đèn này có xuất xứ từ Trung Quốc, còn hàng Việt Nam sản xuất rất ít. Vì tương lai con em mình, các bậc phụ huynh đổ xô đi mua, nhưng không mấy người biết rằng những chiếc đèn bàn chỉ có tác dụng hỗ trợ cho người dùng chứ không thể chống được cận thị.
Chọn đèn bàn phù hợp để bảo vệ mắt cho trẻ.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nhãn khoa, bệnh cận thị, viễn thị, loạn thị… do rất nhiều nguyên nhân, có thể do ngồi không đúng tư thế, ánh sáng không đủ, xem ti vi, chơi điện tử nhiều cũng có thể dẫn đến các tật về khúc xạ. Về vấn đề này, Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải (nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn đèn tiết kiệm năng lượng và dung dịch hoạt hóa, điện hóa Hà Nội) cho rằng: “Người tiêu dùng nên biết là trên thế giới chưa có đèn chống cận thị và bảo vệ thị lực, mà chỉ có dùng đèn hợp lý để giảm ô nhiễm ánh sáng. Nếu muốn chọn đèn học cho con em mình, các bậc phụ huynh cần lựa chọn đèn có ánh sáng gần giống với ánh sáng ở cửa sổ khi trời không mây, cần đèn đủ độ cao để ánh sáng có thể tỏa đều bàn học. Nhưng hiện nay, trên thị trường không phải đèn nào cũng có độ sáng như vậy, nên các bậc phụ huynh phải rất chú ý lựa chọn để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.
Được biết, từ trước đến nay nhiều bậc phụ huynh vẫn cho rằng, dùng bóng đèn sợi tóc khoảng 30W, 40W làm đèn học cho con em mình là chuẩn nhất. Vì đây là loại đèn có ánh sáng vàng, nên trong quá trình học con trẻ không bị mỏi mắt và tránh mắc phải các bệnh về mắt. Nhưng thực chất không phải như vậy, mắt người không thích ứng với ánh sáng vàng mà phải sử dụng ánh sáng có dải phổ nhiều màu thì mới không bị ảnh hưởng đến thị lực. Ngoài ra, khi ngồi học cũng như làm việc, một điều rất quan trọng là ngồi thẳng lưng, đúng tư thế; nếu ngồi dưới ánh đèn trong khoảng 30-45 phút không thấy hiện tượng nhức, mỏi mắt thì ánh sáng đó mới đạt chuẩn.
Do vậy, các bậc phụ huynh phải bố trí chỗ ngồi học cho con trẻ ở nơi đủ độ sáng, không nên vì tiết kiệm điện mà gây hại cho các cháu. Một điểm đáng lưu ý, đó là ánh đèn trong phòng không ngược sáng với bàn học để không tạo ra bóng trên bàn.
Nguyên tắc chọn đèn bảo vệ mắt
Đèn bàn chống cận thị hiện nay được bày bán rất nhiều trên thị trường, chất lượng cũng rất khác nhau và chưa được kiểm soát kỹ về chất lượng sản phẩm. Do vậy, việc lựa chọn được đèn bàn chống cận thị chất lượng tốt cho con đang là mối quan tâm lớn của nhiều bậc phụ huynh. Kỹ sư Lê Đức Anh-Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, chia sẻ: "Khi chọn đèn bàn, phụ huynh cần lưu ý đèn bàn đạt đủ 4 tiêu chí sau: Độ rọi sáng của đèn trên mặt bàn học đạt 500 lux theo tiêu chuẩn TCVN 7114-1:2008; chỉ số hoàn màu cao (Ra>80); ánh sáng của đèn không nhấp nháy, không gây mỏi mắt; chao đèn hợp lý, tập trung ánh sáng xuống mặt bàn học, không gây chói mắt".
Đối với học sinh, một đèn bàn chiếu sáng tốt nhất khi người học không bao giờ nhìn thấy nguồn sáng đang phát sáng, ánh sáng bức xạ của đèn giống màu ánh nắng trời không mây, độ rọi sáng trên mặt sách vở đang đọc 300-500 lux, trong quang trường có đường kính ít nhất khoảng 40cm. Sau khi đọc sách 30-40 phút thấy mỏi mắt phải nhìn ra xa vô cùng, nhìn vào lùm cây.
Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho biết: “Năm 2003-2004, tôi đã thực hiện chương trình chiếu sáng học đường cho Trường Tiểu học Thịnh Quang, lúc đầu có đến 92 cháu học sinh lớp 1 phải đeo kính, nhưng sau khi tốt nghiệp tiểu học chỉ còn 38 cháu phải đeo kính. Hay tại Trường THCS Chu Văn An cũng đã thay đổi các thiết bị chiếu sáng và chỉ sau một thời gian ngắn, đã có 3 cháu không phải đeo kính”.
Quan trọng nhất khi mua đèn, các bậc phụ huynh cần kiểm tra kỹ các thông số của đèn được ghi trên bao bì và lựa chọn sản phẩm chất lượng đã được thẩm định của các nhà sản xuất uy tín để bảo vệ sức khỏe đôi mắt cho trẻ. Về phía các nhà trường, nhất là ở bậc tiểu học, ngoài việc bỏ chiếc bảng đen truyền thống, thay bằng bảng xanh phấn trắng, thì cần quan tâm hơn đến việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng phù hợp với ánh sáng học tập của trẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét