Thứ Ba, 23 tháng 10, 2018

Cận thị học đường: thực trạng đáng báo động


Hiện nay, tỷ lệ học sinh các cấp mắc tật cận thị ngày càng tăng, điều này khiến các em gặp không ít bất tiện trong việc học tập và sinh hoạt. Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương năm 2013, cả nước ta có gần 3 triệu trẻ em ở độ tuổi 0-15 tuổi bị mắc các tật khúc xạ cần được chỉnh kính. Trong đó, số trẻ em bị cận thị lên đến mức đáng báo động khi chiếm tới 2/3 tỷ lệ và chủ yếu tập trung ở khu đô thị với tỷ lệ là 30 - 35%.

Hiểu thêm về cận thị
Cận thị là một loại tật khúc xạ hay gặp nhất ở lứa tuổi đến trường. Học sinh bị cận thị sẽ gặp trở ngại trong việc nhìn xa, thường cố gắng điều tiết mắt nhiều hơn để thấy rõ các chi tiết. Vì vậy, các em cần phải đeo kính để tăng chức năng thị giác, hạn chế tình trạng rối loạn phát triển thị giác hai mắt.

Nguyên nhân nào dẫn đến tật cận thị?

- Việc học tập và sinh hoạt thiếu hợp lý: cường độ học tập ngày càng dày đặc cùng với môi trường ánh sáng không đảm bảo, tư thế ngồi học, bàn ghế không phù hợp khiến cho mắt dễ mỏi, mờ.

- Công nghệ phát triển: trẻ sớm sử dụng các thiết bị điện tử để phục vụ cho học tập, giải trí, làm cho mắt phải điều tiết ở cự ly gần trong thời gian dài. Điều này dẫn đến nguy cơ suy giảm thị lực và cận thị cao, đặc biệt là lứa tuổi 7-9 tuổi và 12–14 tuổi.

- Yếu tố di truyền: thông thường bố mẹ bị cận thị từ 6 diop trở lên thì mức độ di truyền là 100%.

Ảnh hưởng của cận thị đối với thế hệ tương lai

Cận thị sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sức khỏe của các em học sinh. Cụ thể là nheo mắt khi nhìn vật từ xa có thể gây mỏi mắt và nhức đầu. Nếu cận thị nặng, võng mạc của mắt có thể mỏng đi, gây tổn thương đến “cửa sổ tâm hồn” của trẻ. Ngoài ra, nó còn ảnh hưởng ảnh hưởng đến quá trình học tập. Mắt trẻ sẽ nhìn kém, đọc chữ hay bị nhảy dòng, nhầm dấu, viết chậm, sai chữ,… dẫn đến kết quả học tập giảm sút, trẻ trở nên rụt rè và thiếu tự tin.

Biện pháp phòng tránh cận thị học đường

- Cải thiện điều kiện học tập và sinh hoạt: đảm bảo góc học tập đủ ánh sáng và ngồi học đúng tư thế; thực hiện thời gian biểu học tập, nghỉ ngơi, vui chơi hợp lý để đảm bảo sức khỏe, thư giãn thị giác.

- Chế đô ăn uống giàu vitamin: bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, E, B,… như cà rốt, bí đỏ, cà chua, trứng, thịt, cá,… trong bữa ăn hằng ngày để nuôi dưỡng mắt. Nên hạn chế thức ăn chế biến sẵn, chiên xào nhiều dầu mỡ.

- Khám mắt định kỳ mỗi 6 tháng để xác định tật khúc xạ (cận thị) và các bệnh về mắt khác sớm và có phương pháp điều trị kịp thời.

- Sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa các vitamin và acid amin tốt cho mắt mỗi ngày.

Đôi mắt của học sinh được ví như những “viên ngọc quý”, giúp các em tích lũy kiến thức và tự tin hơn trong mọi hoàn cảnh để bước những bước thật vững chắc trên con đường thực hiện ước mơ của mình. Vì vậy, việc chăm sóc và bảo vệ đôi mắt là rất cần thiết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét