1. Ngồi học đúng tư thế
Theo TS.BS Trịnh Thị Bích Ngọc - PGĐ BV Mắt Hà Nội, cường độ học tập quá tải sẽ làm mắt phải điều tiết nhiều hơn, dễ gây mỏi mắt, các tật khúc xạ. Đặc biệt, khi học mệt quá, các em thường nằm bò ra bàn đọc tài liệu, thậm chí nằm để đọc, vừa hại mắt, vừa gây tật cong vẹo cột sống.
Các tật này có thể tránh được nếu học sinh ngồi đúng chuẩn như: Thẳng lưng, hai chân khép, hai bàn chân để ngay ngắn sát nền nhà, đầu hơi cúi 10-15 độ. Khoảng cách từ mắt đến sách vở trên bàn học 35cm với học sinh THPT và người lớn. Không cúi gằm mặt, nghiêng đầu, áp má lên bàn học khi đọc hoặc viết. Bàn học ở nhà cũng phải bố trí đủ ánh sáng tự nhiên và nhân tạo. Tốt nhất nên bố trí bàn học gần cửa sổ, nếu không thì phải có đèn học. Để đèn học bên tay trái, không để bóng chiếu thẳng vào mặt làm chói mắt.
2. Chọn đèn bàn học phù hợp
Đèn bàn học phù hợp là đèn phải đạt được các thông số về chiều cao đèn bàn học, loại ánh sáng, loại đèn, công suất..
Về chiều cao đèn, đối với các bạn học sinh thì chiều cao phù hợp chỉ nên từ 40-50 cm
Lựa chọn ánh sáng thì tùy vào mục đích trong buổi học, ánh sáng trắng sẽ giúp cho trẻ được tâm trung hơn, tăng khả năng sáng tạo hơn. Ngược lại ánh sáng vàng mang đến cảm giác dịu nhẹ, ấm áp cho trẻ.
Về loại đèn thì chúng ta nên chọn đèn LED cho các em học sinh vì đèn Led hội tụ đầy đủ những ưu điểm khi sử dụng như vừa bền, ánh sáng liên lục không gây hại cho mắt, không thải ra các chất có hại cho môi trường...
Về công suất với đèn LED thì chỉ cần từ 3-9W là đủ cho các bạn học sinh học tập. Công suất cao quá thì sẽ sáng quá khiến các bé bị mỏi mắt, nhức mắt khi sử dụng.
3. Tăng cường các hoạt động ngoài trời
Theo BS CKII Chu Thị Vân - PGĐ BV Mắt Hà Nội, vào mùa thi hiện tượng cận thị giả rất nhiều. Khi lịch học, ôn thi dày đặc, nhiều em có thói "ngủ ngày cày đêm", học liên tục trong nhiều giờ, làm mắt phải làm việc liên tục nên rất dễ bị mỏi mắt, nhức mắt, dẫn tới hiện tượng cận giả.
TS.BS Bích Ngọc cho rằng, gia đình có thể giúp trẻ tránh mắc các tật về mắt bằng cách giúp trẻ tăng cường các hoạt động thể lực ngoài trời, chơi thể thao, hạn chế chơi vi tính và đặc biệt không làm cho trẻ quá căng thẳng về học tập. Thực tế cho thấy, trẻ chơi thể thao hoặc tăng cường các hoạt động thể lực ngoài trời ít cận thị hơn.
4. Cho mắt nghỉ ngơi
Theo BS CKII Chu Thị Vân, PGĐ BV Mắt Hà Nội, vào mùa thi, nhiều em ngồi học 5 -7 tiếng liên tục. Điều này không tốt cho sức khỏe mà còn làm cho mắt vô cùng mệt mỏi, thậm chí còn mắc một số bệnh: Nhức mỏi mắt, đỏ mắt, viêm mắt... Các bậc phụ huynh giúp con giảm bớt gánh nặng tâm lý học bằng việc thiết lập chế độ học tập, nghỉ ngơi hợp lý. Nếu để trẻ học quá lâu, đôi mắt sẽ không chịu được gây hiện tượng mờ mắt khi đọc sách. Sau 40 - 45 phút khi đọc sách, xem tivi, làm việc trên máy vi tính... phải thư giãn từ 5 - 10 phút để mắt đỡ mỏi.
BS Vân cho rằng, nghỉ ngơi thư giãn mắt không có nghĩa là học xong bài là ra xem tivi, đọc truyện, sử dụng máy tính... Vì như vậy, đôi mắt vẫn phải hoạt động càng làm cho mắt mỏi hơn. Các bậc phục huynh cũng nên tập cho trẻ thói quen luyện tập đôi mắt bằng cách nhìn ra xa cách 5m. Hoặc chọn nơi thoáng mát, không khí trong lành, thả lỏng mắt tập trung nhìn thẳng vào một điểm cố định khoảng 2 - 3 phút.
5. Bổ sung dưỡng chất cho mắt
Các bậc phụ huynh nên bổ sung trong các bữa ăn nhiều rau xanh, hoa quả có màu vàng, đỏ, lá xanh đậm và sữa để bổ sung tốt các vitamin cần thiết cho mắt. Cần chọn và phối hợp các loại thực phẩm sao cho vừa đảm bảo cung cấp đủ calo cho cơ thể và giúp đôi mắt luôn khỏe, nhất là bổ sung vitamin A (có nhiều trong cà rốt, củ cải, lá rau xanh, xoài, đu đủ).
Ngoài ra, có thể bổ sung một số thuốc bổ mắt hỗ trợ chứa các vitamin và nhiều dưỡng chất khác như Topicom, vitamin AD, Gacroten... Các loại thuốc này giúp hạn chế tình trạng mỏi mắt, hoa mắt, nhìn mờ. Tuy nhiên, khi sử dụng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc.
6. Massage quanh mắt
Theo TS.BS Bích Ngọc, đối với trẻ đã mang kính, càng cần phải thư giãn mắt bằng cách bỏ mắt kính ra và massage quanh mắt.
Các em nên khám mắt định kỳ tại các cơ sở chuyên khoa hoặc khi có những biểu hiện: Mỏi mắt, nhức đầu, nhìn xa (khoảng cách 5m) không rõ, nhìn chữ mờ, hay nheo mắt, che một mắt để nhìn, cúi đầu sát xuống cuốn sách hay bàn học khi đọc hoặc viết, chớp hay dụi mắt một cách không bình thường.
Lưu ý cho học sinh
- Không nằm, quỳ khi đọc sách hoặc viết bài.
- Khi xem tivi phải ngồi cách xa màn hình tối thiểu 2,5m, ánh sáng phòng phù hợp. - Thời gian xem cần ngắt quãng, mỗi lần xem không quá 45-60 phút.
- Không nên dụi mắt nhiều, vì rất dễ bị nhiễm trùng nếu tay không sạch.
- Không nên ăn quá nhiều đường bởi khi cơ thể hấp thu quá nhiều sẽ khiến cho hàm lượng vitamin B1 giảm, lâu ngày sẽ ảnh hưởng tới lượng vitamin cung cấp cho thần kinh thị giác.
(TS.BS Trịnh Thị Bích Ngọc - PGĐ Bệnh viện Mắt Hà Nội)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét