Giữa một loạt các loại đèn, đủ mọi màu sắc, hình dáng, mẫu mã, chủng loại, trên thị trường hiện nay, nên chọn đèn ánh sáng vàng hay ánh sáng trắng, chọn bóng đèn sợt đốt, đèn Compact, đèn Halogen hay đèn Led… để bảo vệ thị lực cho con luôn là băn khoăn của các bậc phụ huynh.
Đèn bàn học là một đồ dùng học tập không thể không có đối với mỗi cô, cậu học sinh. Một chiếc đèn chất lượng tốt và phù hợp sẽ bảo vệ cho mắt các bạn ý không bị chói, lóa, mỏi mắt khi ngồi học. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại đèn không giống nhau, với các mức giá từ 50.000 đồng cho đến cả triệu đồng. Nên chọn đèn học như thế nào cho phù hợp với con yêu của mình luôn là nỗi băn khoăn với người làm cha mẹ.
Theo tư vấn của các chuyên gia, bác sĩ về mắt, một chiếc đèn tốt, phục vụ cho việc học tập của các bé nên có đầy đủ các tiêu chí: ánh sáng không được nhấp nháy và chói lóa giúp cho đôi mắt của bé không phải điều tiết nhiều, ổn định trong khoảng thời gian học tập mỗi ngày, có nguồn sáng phân bố đều, ổn định theo thời gian và không tiết ra các chất gây độc hại với môi trường xung quanh.
Nên khi bạn lựa chọn loại đèn học nào, cũng cần nhớ 6 quy tắc chung dưới đây:
Chiều cao của đèn
Với các loại đèn để trên bàn học của trẻ nhỏ, nên chọn loại đèn có chiều cao từ 40 – 50cm. Đây là độ cao phù hợp với trẻ nhỏ, giúp cho ánh sáng được tỏa đều khắp bàn học của các bé.
Công suất đèn
Công suất đèn tác động lớn trong việc bảo vệ mắt cho trẻ nhỏ. Khi lựa đèn có công suất không phù hợp, quá yếu hoặc quá mạnh đều khiến cho mắt bé phải điều tiết nhiều, gây khô nhức, mỏi mắt. Vì vậy, khi chọn đèn bàn học là loại lắp bóng đèn LED, nên chọn loại có công suất dưới 13W, hoặc chọn bóng đèn công suất dưới 50W nếu là loại bóng đèn sợi đốt.
Chọn thân và chụp đèn linh hoạt
Những loại đèn có thân đèn (còn gọi là cần đèn) có thể điều chỉnh linh hoạt, xoay được các phía giúp học sinh có thể điều chỉnh phù hợp với nhiều không gian học khác nhau. Phần chụp đèn tốt là phần được thiết kế không để ánh sáng hắt quá nhiều, đồng thời cũng không che khuất nhiều ánh sáng gây tối khi sử dụng. Bạn nên yêu cầu người bán bật thử để kiểm tra thực tế phần này.
Nên chọn loại đèn gắn chặt vào bàn học
Ngoài ra, khi mua đèn, cần chọn loại có thiết kế chắc chắn. Học sinh lứa tuổi từ tiểu học đến cấp 3 thường hiếu động, vì vậy, nên chọn những loại đèn có thể gắn chặt vào bàn học, để đảm bảo đèn không bị rơi, vỡ khi bé chạy nhảy, làm rơi xuống đất.
Chọn loại ánh sáng
Ánh sàng đèn cũng gây tác động đến tâm lý của người sử dụng
Các loại đèn bàn học thường có ánh sáng vàng hoặc ánh sáng trắng. Có nhiều ý kiến không giống nhau khi chọn ánh sáng đèn, nhưng thực tế, cả 2 loại ánh sáng này đều không gây hại cho mắt. Tuy nhiên, hai loại ánh sáng này lại có tác động không giống nhau đến tâm lý người sử dụng. Nếu muốn mang lại cho bé cảm giác mát mẻ, tỉnh táo khi ngồi vào bàn học, bạn chọn loại đèn có ánh sáng trắng. Đèn ánh sáng vàng mang đến cảm giác gần gũi, ấm áp và thân thiện.
Chọn đèn phù hợp với sở thích của người dùng
Một chiếc đèn có màu sắc, mẫu mã đúng với mong muốn của bé cũng là một trong những động lực để bé hứng thú hơn trong học tập. Nên ngoài việc lựa chọn loại đèn đáp ứng các tiêu chuẩn về chiều cao, ánh sáng… bạn cũng cần chú ý đến sở thích của bé. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại đèn được gắn thêm đồng hồ, các nhân vật hoạt hình trong phim, hay có thiết kế theo hình khối... để bạn lựa chọn
Lưu ý khi sử dụng đèn học
Khi bé sử dụng đèn học, dù cung cấp đủ ánh sáng, bạn cũng đừng tắt các loại đèn khác trong phòng. Việc chỉ tập trung nguồn sáng tại một vị trí có thể làm bé bị mỏi mắt khi ngồi học trong thời gian dài, và bị lóa khi nhìn từ sáng ra tối và ngược lại. Nên tạo một không gian ánh sáng đồng nhất để mắt bé không phải điều tiết quá nhiều. Đèn bàn học nên đặt cùng phía với bóng đèn tuýp trong nhà, tránh bị sấp bóng.
Với những quy tắc trên, dù bạn chọn loại đèn bình dân hay đèn “xịn”, đèn sản xuất trong nước hay đèn nhập khẩu đều giúp cung cấp nguồn sáng đầy đủ, hợp lý để bé học tập tốt hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét